TÍNH NHẨM BẰNG TAY
Chắc hẳn chúng ta khi đi học mẫu giáo, ai cũng được học bài hát “Năm ngón tay ngoan” của nhạc sĩ Trần Văn Thụ: “Xòe bàn tay, đếm ngón tay, một anh béo trông thật đến hay…”.
Về cơ bản, các cháu học sinh mẫu giáo có thể thực hiện các phép tính cộng đơn giản trong phạm vi 10 bằng cách đếm ngón tay. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể làm những phép tính nhân lên đến hàng trăm dựa vào cách đếm ngón tay. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu tiếp một phương pháp tính nhân nhẩm bằng cách đếm ngón tay độc đáo dành cho học sinh cấp 1. Đó là phép nhân 9 với một số có 2 chữ số với điều kiện hàng đơn vị lớn hơn hàng chục 1 đơn vị.
Chúng ta quy ước các con số trên hai bàn tay như sau:
BÀN TAY TRÁI
Cái -> 1
Trỏ -> 2
Giữa -> 3
Nhẫn -> 4
Út -> 5
BÀN TAY PHẢI
Út -> 6
Nhẫn -> 7
Giữa -> 8
Trỏ -> 9
Cái ->10
Nguyên tắc tính nhẩm: Số lẻ (hàng đơn vị) là số nào thì gập ngón tay tương ứng với số đấy. Ở bên trái ngón gập xuống, đếm xem có bao nhiêu ngón tay thì đó là số hàng trăm; Ngón gập đọc là 0 chỉ hàng chục; Bên phải ngón gập có bao nhiêu ngón tay thì đó chính là con số hàng đơn vị trong dãy số kết quả.
Trong thực tế, nếu không gập được ngón tay (nhất là ngón út), chúng ta có thể cong lại một chút hoặc đơn giản là chỉ cần nhớ vị trí ngón tay đó là được.
Trong phép nhân 9 với số có hai chữ số, dù chưa biết đáp án cụ thể nhưng chúng ta đều biết rằng kết quả của nó sẽ 3 chữ số gồm chữ số hàng trăm, hàng chục và hàng đơn vị. Ngoài ra, vì điều kiện đặc thù của phép tính là số còn lại có hàng đơn vị lớn hơn hàng chục 1 đơn vị cho nên trong kết quả cuối cùng, số hàng chục sẽ là 0.
Ví dụ 1: 34*9 = ?
34 là số mà có hàng đơn vị (4) lớn hơn số hàng chục (3) 1 đơn vị. Chúng ta thấy số lẻ (hàng đơn vị) là 4, theo quy tắc, chúng ta gập ngón nhẫn (bàn tay trái) là 4, đọc số đó trong dãy kết quả là 0.
Trước số 4 (ngón Nhẫn) có 3 con số (tức 3 ngón cái – trỏ – giữa), sau ngón Nhẫn còn 6 con số (6 ngón nữa). Vậy kết quả là 306 (OMG!)
Ví dụ 2: 78*9 = ?
Số lẻ là 8 thì gập ngón giữa bên tay phải, đây chính là số 0 hàng chục trong kết quả. Chúng ta đếm và thấy trước ngón giữa trái có 7 con số, sau ngón giữa có 2 con số. Do đó, kết quả phép tính là 702 (Wow!)
Ví dụ 3: 89*9 = ?
Số lẻ là 9 thì gập ngón trỏ phải. Hãy luôn nhớ rằng, số hàng chục trong kết quả là 0. Trước ngón trỏ có 8 con số, sau ngón trỏ phải có 1 con số, do đó kết quả là 801 (không tin thì thử tính lại xem!)
Ví dụ 4: Mẹ đi chợ mua 4.5kg gạo, mỗi kg giá 0.9 đồng. Hỏi mẹ mua hết bao nhiêu tiền?
Để cho dễ tính, chúng ta hãy tăng số lượng lên 10 lần, tức là tính phép nhân 45*9 = ?
Số lẻ là 5, gập ngón út trái, hàng chục trong kết quả là 0. Trước ngón út có 4 chữ số, sau ngón út có 5 chữ số, do vậy kết quả là 405. Vì bài toán gốc có 2 số thập phân, cho nên ta đẩy dấu phẩy lên 2 đơn vị thành 4.05 đồng.
Các bậc phụ huynh khi ra đề toán cho con em mình, ngoại trừ số 9 ra, ở số còn lại hàng đơn vị phải lớn hơn hàng chục 1 đơn vị đấy nhé!
-Sưu Tầm-
Bài viết liên quan: